Sáp nhập Chiêm Thành Nam_tiến

Nhà Lý-Trần-Hồ

Xem chi tiết: Lịch sử chiến tranh Việt-Chiêm

Đây là thời kỳ thường xuyên có các cuộc giao tranh giữa các vương triều của Đại Việt với Chiêm Thành ở phía nam. Phần thắng thường thuộc về nước Đại Việt.

Năm 1044, với lý do người Chiêm đã bỏ cống liên tục suốt 16 năm, vua Lý Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành, đập phá quốc đô Phật Thệ, giết 3 vạn quân Chiêm, bắt sống 5.000 người, bắt 30 con voi và giết chúa Sạ Đẩu[1].

Năm 1069, với một lý do tương tự (bỏ cống liên tục 4 năm), vua Lý Thánh Tông thân chinh mang 10 vạn quân vào đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Củ (Jaya Rudravarman). Nhà dân trong và ngoài thành Phật Thệ, hơn 2.660 căn, đều bị thiêu rụi sạch[2].

Để chuộc tội, Chế Củ dâng đất của ba châu Bố Chính, Địa LýMa Linh cầu hòa. Vua Lý Thánh Tông đặt tên cho vùng đất mới này là trại Tân Bình, lãnh thổ Đại Việt mở rộng thêm vùng đất này[3].

Năm 1306 là giai đoạn Chiêm Thành và Đại Việt có mối giao hảo tốt đẹp (Đại Việt và Chiêm Thành đã cùng liên minh chống quân Nguyên xâm lược), nhà Trần gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Mân (Jaya Simhavarman).

Đổi lại, Chế Mân dâng đất cho Đại Việt gồm Châu ÔChâu Rí. Các vùng đất này được vua Trần Anh Tông đổi tên là Thuận ChâuHóa Châu[4], lãnh thổ Đại Việt phía nam tới Hải Vân Quan (đèo Hải Vân ngày nay).

Những năm đầu thời kỳ nhà Hồ, từ 1400 đến 1403, nhà Hồ liên tục đem quân tấn công Chiêm Thành.

Năm 1402, Hồ Hán Thương mang quân đi đánh Chiêm Thành, 2 bên giao chiến đều có thiệt hại nhưng cuối cùng quân Chiêm bị thua, vua Chiêm là Ba Đích sợ hãi dâng voi trắng, voi đen và xin nộp đất Chiêm Động (nam Quảng Nam) để làm điều kiện cho nhà Hồ lui quân. Hồ Quý Ly không chấp nhận, bắt phía Chiêm Thành phải làm tờ biểu khác và dâng cả đất Cổ Lũy (bắc Quảng Ngãi). Ba Đích thế yếu phải chấp nhận yêu sách của nhà Hồ, bèn chuyển dân về phía nam và nộp đất Chiêm Động, Cổ Lũy.

Năm 1403, Hồ Hán Thương lại ra lệnh đóng chiến thuyền nhỏ để tiếp tục đánh Chiêm. Nhà Hồ mang 20 vạn quân đánh Chiêm Thành lần thứ ba, quân nhanh chóng tiến đến bao vây kinh thành Chà Bàn của Chiêm Thành. Tướng Phạm Nguyên Khôi vây hãm Chà Bàn trong 9 tháng nhưng không hạ được. Quân Đại Ngu hết lương, đành phải rút về.

Tuy nhiên, phần lãnh thổ nhà Hồ chiếm được từ Chiêm Thành bị họ lấy lại sau khi nhà Hồ sụp đổ (1407).

Nhà Hậu Lê

Xem chi tiết: Chiến tranh Việt-Chiêm 1471

Trong thời kỳ đầu nhà Hậu Lê, Chiêm Thành và Đại Việt quan hệ tương đối giao hảo.

Đến năm 1470, quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành trở nên căng thẳng, vua Lê Thánh Tông phái danh tướng Đinh Liệt đưa 20 vạn quân đánh Chiêm Thành. Năm 1471, quân Việt phá tan kinh đô Vijaya (thuộc Bình Định ngày nay), vua Trà Toàn (Pau Kubah) bị bắt và chết trên đường về Thăng Long. Lê Thánh Tông đã sáp nhập miền bắc Chiêm Thành, từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông vào Đại Việt, đặt tên vùng đất mới là thừa tuyên Quảng Nam.

Quân đội nhà Lê còn tiến tới phía nam vùng đất Phú Yên ngày nay, Lê Thánh Tông đã cho khắc chữ vào vách đá trên đỉnh núi Thạch Bi (đá bia), ghi công mở đất và phân định ranh giới. Chữ ấy nay vẫn còn, nhưng nét chữ lờ mờ sứt mẻ, không thể trông rõ được.

Chúa Nguyễn (Đàng Trong)

Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, do áp lực từ các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phương bắc và nhu cầu mở rộng đất đai về phương nam, các chúa Nguyễn đã bắt đầu một công cuộc mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam chưa từng thấy trong lịch sử.

Năm 1611, vua Po Nit tiến đánh Quảng Nam, trước hành động này, chúa Nguyễn Hoàng phái Văn Phong đem quân vào đánh nước Chiêm Thành lấy đất lập ra phủ Phú Yên chia ra làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa, nay thuộc Phú Yên.

Năm 1653, vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm (Po Nraop) nhằm đòi lại đất Phú Yên đã đưa quân sang đánh chiếm. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ là Hùng Lộc sang đánh. Bà Tấm xin hàng, chúa Nguyễn để từ sông Phan Lang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Lang trở ra lấy làm phủ Thái Ninh, sau đổi làm phủ Diên Khánh, nay thuộc Khánh Hòa. Tại đây đặt dinh Thái Khang để Hùng Lộc làm thái thú.

Năm 1693, với lý do vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh (Po Saot) bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai quan tổng binh là Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh bắt được Bà Tranh cùng thân thuộc về Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành làm Thuận Phủ, nay thuộc Bình Thuận. Đất này cho con cháu của Bà Tranh làm đề đốc trấn giữ, bắt đổi y phục như người Việt Nam để phủ dụ dân Chiêm Thành.

Tuy nhiên, do sự kháng cự của người Champa và cũng cần tập trung cho việc khai phá đất Nam Bộ của Chân Lạp nên qua năm 1697, chúa Nguyễn đổi Thuận Phủ ra làm Thuận Thành trấn, dành cho người Chăm cơ chế tự trị nhưng vẫn thuộc sự bảo hộ của chúa Nguyễn. Đến năm 1832, vua Minh Mạng xóa bỏ cơ chế tự trị trên và lập thành tỉnh Bình Thuận.